QQ đưa tin bộ phim Tây du ký 1986 đã trở thành tác phẩm kinh điển của màn ảnh Trung Quốc. Các diễn viên tham gia trong phim đều là nhân vật huyền thoại trong tâm trí khán giả. Thậm chí, chú ngựa Bạch Long Mã cũng nổi tiếng một thời. Tuy nhiên, khác với các diễn viên một bước thành sao, kết cục của Bạch Long Mã lại rất thê thảm.

Theo đó, năm 1980, đoàn phim Tây du ký do Dương Khiết làm tổng đạo diễn chuẩn bị để tiến hành chuyển thể một trong tứ đại danh tác văn học Trung Quốc lên màn ảnh. Ban đầu, đạo diễn Dương Khiết không coi trọng việc chọn chú ngựa đóng Bạch Long Mã, là thú cưỡi của Đường Tăng.

Vào thời điểm đó không có khu nuôi dưỡng ngựa để phục vụ quay phim. Đạo diễn Dương Khiết dự định khi đi quay ở đâu sẽ tìm một chú ngựa lông trắng ở gần đó để quay.

Tuy nhiên, hiện thực khó khăn hơn những gì bà nghĩ. Các chú ngựa được tìm tới có màu lông không đủ trắng, nếu đoàn phim nhuộm lông cho chúng thì dễ gặp phải tình trạng bị phai màu khi trời mưa. Mặt khác, có chú ngựa được chọn khá già, không thể đảm bảo sức khỏe trong quá trình quay phim.

Đa số những chú ngựa cũng ngang bướng, không hợp tác. Đặc biệt, những chú ngựa này thiếu “tiên khí”, trong khi Bạch Long Mã vốn là Tam thái tử của Tây Hải long cung biến thành.

Sau đó, đạo diễn Dương Khiết đã tới vùng Mông Cổ để tìm chú ngựa có thể đảm nhiệm vai diễn Bạch Long Mã. Tuy nhiên, chú ngựa này lại thuộc biên chế của đội dân phòng địa phương, có quân tịch. Do đó, lúc đầu ý định mượn ngựa của đạo diễn Tây du ký bị từ chối.

Sau nhiều lần năn nỉ, cuối cùng, đạo diễn Dương Khiết phải bỏ ra số tiền 800 NDT để mua lại chú ngựa, cởi bỏ quân tịch cho nó. Bạch Long Mã sau này theo chân đoàn phim, rong ruổi tới nhiều địa điểm trong và ngoài Trung Quốc để quay phim. Chú ngựa được đánh giá là rất nghe lời, có linh tính, hợp tác tốt trong mỗi cảnh quay.

Kết cục bi thảm của Bạch Long Mã trong Tây du ký 1986-1Kết cục bi thảm của Bạch Long Mã trong Tây du ký 1986-2

Kết cục bi thảm của Bạch Long Mã trong Tây du ký 1986-3

Chú ngựa Bạch Long Mã theo chân đoàn phim suốt 6 năm, nhưng sau đó bị bỏ rơi.

Bộ phim Tây du ký 1986 sau khi phát sóng lập tức nhận được sự yêu mến của hàng triệu khán giả, giúp các nghệ sĩ nổi danh khắp châu Á. Tuy nhiên, tổng đạo diễn Dương Khiết lại là nhân vật hiếm hoi trong đoàn phim danh tiếng không được nâng cao. Theo QQ, do Dương Khiết tính cách thẳng thắn nên bà đắc tội với đài truyền hình và các diễn viên tham gia trong phim.

Về phần Bạch Long Mã, sau khi hoàn thành bộ phim, chú ngựa được đưa tới phim trường của đài truyền hình CCTV (Trung Quốc) tại Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc. Đạo diễn Dương Khiết đã nhờ các nhân viên chăm sóc chú ngựa cẩn thận. Song, nhân viên vườn thú ở đây đã đem Bạch Long Mã ra để phục vụ việc chụp ảnh cùng khách du lịch.

 

 

Trong lần đầu Dương Khiết tới thăm Bạch Long Mã, chú được nhốt chung chuồng với một số chú ngựa khác. Tuy nhiên, do Bạch Long Mã sức khỏe kém, bị chấn thương trong quá trình quay phim nên không thể tranh ăn với đồng bọn.

Dương Khiết đã có ý kiến tới ban quản lý phim trường, sau đó Bạch Long Mã được chuyển tới một chuồng giữ riêng, thế nhưng không gian chuồng nhỏ hẹp.

Lần thứ hai đạo diễn tới thăm Bạch Long Mã, lúc này, chú ngựa vốn có vẻ ngoài sung mãn, lông trắng muốt, “tiên khí”, đã trở nên gầy gò và bẩn thỉu. Đạo diễn Dương Khiết chia sẻ lại: “Chú ngựa nhìn tôi, sau khi thở dài một cái, nó quay đi và không nhìn tôi nữa“.

Dương Khiết cho biết thời điểm đó mức lương của bà rất thấp, không đủ sống qua ngày nên nữ đạo diễn không thể giúp cải thiện chất lượng chăm sóc Bạch Long Mã. Thậm chí, khi bà vận động các diễn viên trong đoàn giúp đỡ, nhưng chỉ nhận lại sự thờ ơ của mọi người.
 

 

Nữ đạo diễn còn từng viết câu chuyện về Bạch Long Mã để thể hiện nhân tình ấm lạnh trong cuộc đời. Đến năm 1997, Bạch Long Mã qua đời trong bệnh tật mà ít người nhớ tới.