Đánh giá viên chức cuối năm, hiệu trưởng “nâng lên đặt xuống” lo GV tâm tư

Hiệu trưởng nhà trường cần xây dựng các tiêu chí rõ ràng để đánh giá chất lượng viên chức giáo viên cuối năm học sao cho công tâm, khách quan.

Nghị định số 48/2023/NĐ-CP quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong cùng cơ quan, đơn vị không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tại Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2019, tỷ lệ đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là không quá 20% tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tổng số tổ chức cơ sở đảng.
gdvn-daoduyanh-710-7763.jpgẢnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn.
Xếp loại giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ năm học 2023-2024 khó hơn trước

Vừa qua, hiệu trưởng nơi đơn vị tôi đang công tác (trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn với các tổ trưởng chuyên môn/văn phòng để bàn phương án chuẩn bị đánh giá viên chức giáo viên cuối năm học 2023-2024.

Trường tôi có 120 giáo viên, nhân viên là viên chức – bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Dự kiến trong tổng số viên chức này đều được đánh giá từ mức từ Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Tuy nhiên, Theo quy định tại Nghị định số 48/2023/NĐ-CP và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW thì tỉ lệ viên chức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Như vậy, trường tôi có tối đa 24 giáo viên, nhân viên được đánh giá mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” khiến lãnh đạo và các thành viên trong hội đồng chuyên môn gặp không ít khó khăn trong đánh giá viên chức so với năm học 2022-2023 trở về trước.

Trường tôi là trường chuẩn quốc gia, giáo viên, nhân viên được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tuyển dụng rất kĩ càng, cho nên hàng năm hầu hết viên chức đều được đánh giá mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trường tôi có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó. Các quý trong năm, hiệu trưởng và hiệu phó đều được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để làm căn cứ chi thu nhập tăng thêm theo quy định của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, trường tôi có 12 tổ trưởng và 12 tổ phó chuyên môn/văn phòng. Cả 24 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn/văn phòng cũng được hiệu trưởng đánh giá mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo quý.

Như vậy, 1 hiệu trưởng, 2 hiệu phó và 24 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn/văn phòng (tổng cộng 27 viên chức) đều xứng đáng được đánh giá là những viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm học.

Tuy vậy, theo các quy định như đã dẫn, chỉ có 24 trong số 27 viên chức được đánh giá mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ – chưa tính số giáo viên, nhân viên không giữ chức vụ, trong số này nhiều người có thành tích nổi trội trong năm học.

Dĩ nhiên không thể không đánh giá 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì các lãnh đạo này đều được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các quý.

Trong số 24 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn/văn phòng cũng không thể loại 3 người cho đủ số lượng theo quy định vì tất cả viên chức này đều được hiệu trưởng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo quý.

Cùng với đó, tổ trưởng chuyên môn là người đánh giá tổ viên trong tổ theo sự phân cấp phân quyền của hiệu trường, cũng đang gặp khó với quy định tại Nghị định số 48/2023/NĐ-CP và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW như đã dẫn.

Cụ thể, tổ chuyên môn của tôi có 15 giáo viên, theo quy định có 3 giáo viên được đánh giá mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, tổ trưởng không biết phải lấy ai, gạt ai vì trong năm học nhiều thầy cô đã đạt được các thành tích cao.

Chưa kể thành tích của tổ trưởng, tổ phó thì tổ của tôi có 1 giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi cấp Thành phố có 5 em đoạt giải; 1 giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi Olympic cấp Thành phố có 3 em đoạt giải; 2 giáo viên hướng dẫn học sinh thi khoa học kĩ thuật cấp Thành phố đoạt giải; 3 giáo viên viết sáng kiến được hội đồng chấm xếp loại xuất sắc (trên 9.0 điểm).

Ngoài ra, hàng năm trường tôi cũng có rất nhiều giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố; được nhận Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể cả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi/chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường.

Có giáo viên nêu ý kiến là lấy thành tích từ cao xuống thấp để đánh giá viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm nhưng vẫn quá số lượng 24 người. Cũng có giáo viên đề xuất là bỏ phiếu để lấy đủ số lượng viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng cách làm này vẫn không ổn.

Người viết cho rằng, quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong cùng cơ quan, đơn vị không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (20%) là hoàn toàn đúng đắn.

Bởi vì, chỉ có những cán bộ, công chức, viên chức thực sự nổi trội, làm việc có hiệu quả thì mới xứng đáng được đánh giá mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Trong ngành giáo dục, giáo viên nào dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi hay có nhiều thành tích sẽ được hiệu trưởng, cơ quan quản lí giáo dục ghi nhận, đánh giá đúng năng lực. Như thế, sẽ không có chuyện cào bằng giữa giáo viên, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để đánh giá chất lượng viên chức giáo viên cuối năm học được công tâm, khách quan, hiệu trưởng nhà trường cần xây dựng các tiêu chí rõ ràng. Bộ tiêu chí này phải được sự thống nhất và đồng thuận cao của tập thể sư phạm.

Chẳng hạn, theo quan điểm cá nhân người viết, thành tích giáo viên được lấy từ cao xuống thấp như: 1) Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2) Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh/thành phố, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 3) Chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi…

Theo quy định của Luật Viên chức, mục đích của đánh giá viên chức là để làm căn cứ tiếp tục bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức.

Vì vậy, nếu hiệu trưởng đánh giá viên chức không đúng, không chính xác thì giáo viên, nhân viên sẽ “tâm tư”, có thể tạo nên mâu thuẫn nội bộ và làm giảm sự nhiệt huyết của thầy cô giáo trong quá trình công tác.

Related Posts

Our Privacy policy

https://tintuc99.com - © 2025 News