Có rất nhiều trường học hiện nay, tỉ lệ giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng II đã chiếm hơn 75%.
Trong đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên lần này, trường học nơi tôi công tác không có chỉ tiêu dành cho Chức danh nghề nghiệp hạng II. Vì thế, những giáo viên đang ở hạng chức danh nghề nghiệp hạng III không có được cơ hội tham gia xét tuyển.
Điều đáng nói là, năm nay các giáo viên hạng III không được tham gia xét tuyển nhưng năm học tới, thậm chí những năm học tiếp theo và nhiều năm khác nữa cũng sẽ khó có được cơ hội. Lý do là số lượng chức danh nghề nghiệp hạng II của nhà trường đã vượt quá nhiều so với quy định.
Nhiều trường học hiện nay không còn chỉ tiêu xét Chức danh nghề nghiệp hạng II (Ảnh tác giả)
Quy định về chỉ tiêu hạng chức danh nghề nghiệp
Ngày 05/01/2024, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 64/BNV-CCVC về hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Theo đó:
“Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2):
Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4):
Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%. [1]
Đối chiếu với những chỉ tiêu này, trường học nơi tôi công tác hiện số lượng giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng II chiếm khoảng 70%, đã vượt xa quy định không quá 50% Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương. Bởi thế, chuyện trường tôi không còn chỉ tiêu Chức danh nghề nghiệp hạng II cho giáo viên ứng tuyển là đúng quy định.
Cơ hội nào cho những giáo viên đủ tiêu chuẩn, nỗ lực muốn thăng hạng?
Cơ hội cho giáo viên hạng III cố gắng, nỗ lực đảm bảo các tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp nghiệp II, muốn thăng hạng ở trường tôi giờ chỉ trông chờ vào số lượng giáo viên đang có chức danh nghề nghiệp hạng II giảm xuống dưới 50%. Tuy nhiên, giảm bằng cách nào?
Đó là khi có giáo viên hạng II được thăng chức danh nghề nghiệp hạng I, và có giáo viên đạt chức danh nghề nghiệp hạng II về nghỉ hưu hoặc có thầy cô giáo xin nghỉ việc…
Thế nhưng với tỉ lệ chức danh nghề nghiệp hạng I nếu được xét, cơ quan tôi đối đa cũng chỉ có 2 người. Giáo viên về hưu trong vài năm tới mỗi năm cũng chỉ khoảng 1 người.
Đó là chưa nói đến việc hàng năm vẫn còn tình trạng luân chuyển giáo viên. Trong khi hiện nay, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II đã vượt xa chỉ tiêu quy định lên tới hơn 20%. Vì thế, dù có người về hưu, có giáo viên được thăng lên hạng I cũng rất khó để tỉ lệ chức danh nghề nghiệp hạng II giảm xuống dưới mức 50%.
“Với tình hình này, có thể tôi phấn đấu cho đến lúc về hưu vẫn cũng không thể nào chạm tay vào được chức danh nghề nghiệp hạng II. Nếu khó vì mình không đủ năng lực thì đành chịu, đằng này khó vì chỉ tiêu bị khống chế nên thấy rất buồn”, một giáo viên chia sẻ.
Người đồng nghiệp tôi vừa nhắc tới vốn là một tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên dạy giỏi các cấp, đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã nhiều năm.
Một giáo viên luôn được học sinh yêu mến, phụ huynh tin yêu và đồng nghiệp tin tưởng. Xét về góc độ chuyên môn hay về phẩm chất đạo đức, nhân cách nhà giáo này đều đủ hoặc thừa tiêu chuẩn để được thăng hạng II.
Thế nhưng theo quy định hiện nay, giáo viên này vẫn không có cơ hội mà phải trong tư thế chờ, đợi “trống chỗ” mới được đăng ký xét tuyển.
Các trường rất khó “trống chỗ” chức danh nghề nghiệp hạng II để giáo viên hạng III “chen chân” vào
Chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập được ban hành thì hàng loạt giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng II (cũ) được chuyển xếp sang hạng chức danh nghề nghiệp hạng II mới.
Có rất nhiều trường học hiện nay, tỉ lệ giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng II chiếm hơn 75%. Vì thế, những trường học này dự báo nhiều năm sau nữa vẫn không có chỉ tiêu để xét chức danh nghề nghiệp hạng II cho bất kỳ thầy cô nào muốn thăng hạng. Điều này, đã ít nhiều khiến cho giáo viên hạng III không có nhiều động lực để phấn đấu đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II.
Trong thực tế hiện nay, có không ít giáo viên hạng II nhưng năng lực chuyên môn lại không bằng một số thầy cô giáo chỉ ở hạng III. Vì chưa có một quy định nào “xuống hạng” nên họ vẫn sẽ chắc chắn “yên vị” cho đến lúc về hưu.
Và như thế, những giáo viên hạng III giỏi, xuất sắc cũng vẫn mãi ở lại hạng III. Điều này, có thể sẽ dẫn đến sự trì trệ, tâm lý không hài lòng của một số thầy cô.
Kiến nghị một số giải pháp
Một số ý kiến cho rằng, phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là điều hợp lý. Bởi có thế, mới tạo được động lực phấn đấu, sự nỗ lực và hết lòng trong công việc của nhiều thầy cô.
Việc phân hạng chức danh nghề nghiệp ứng với những mức lương khác nhau cũng tạo được động lực để các thầy cô giáo phấn đấu, tránh tình trạng ù lì trong công việc giảng dạy cũng như hoạt động phong trào.
Tuy nhiên chỉ thăng hạng mà không phải xuống hạng thì đến một lúc nào đấy sẽ không còn chỗ (vì đã đủ chỉ tiêu) cho giáo viên thăng hạng nữa.
Theo người viết, đã đề ra thứ hạng thì ai đáp ứng đủ tiêu chuẩn đều sẽ được tham dự xét tuyển mới công bằng. Muốn có được điều này, cũng cần phải có thêm những quy định “xuống hạng” cho những thầy cô chưa làm tròn chức trách của mình.
Ngoài ra, cần có thêm quy định về xét đặc cách dành cho những giáo viên có thành tích vượt trội trong giảng dạy, trong các hoạt động phong trào cũng như trong việc giáo dục học sinh.
Điều này sẽ tạo ra được một môi trường làm việc năng động mà trong đó các thầy cô luôn phải nỗ lực thi đua, làm việc hết mình trong mọi mặt.