Các bác sĩ Thái Lan lập tức tiến hành nội soi cho nữ bệnh nhân sau khi phát hiện cả trăm con giòi làm tổ trong mũi người này.

 

Các bác sĩ lấy hàng trăm con giòi ra khỏi mũi nữ bệnh nhân bằng phương pháp nội soi. Ảnh: Jam Press Video

Các bác sĩ lấy hàng trăm con giòi ra khỏi mũi nữ bệnh nhân bằng phương pháp nội soi.

 

 

Người phụ nữ 59 tuổi cho biết bà bị ngạt mũi, đau mặt đã hơn tuần nay. Ban đầu, bà tin nguyên nhân gây khó thở do quá nhiều bụi trong không khí. Nhưng sau một lần bị chảy máu cam, bà phát hiện hàng chục con giòi bò ra.

 

 

Người phụ nữ lập tức đến bệnh viện Nakornping, tỉnh Chiang Mai, kiểm tra. Bác sĩ Pateemon Thanachaikhan đã tiến hành chụp X-quang cho bệnh nhân và phát hiện dị vật ở mũi.

 

Theo Mirror, đội y tế sau đó đã luồn ống nội soi vào mũi bà và phát hiện hơn 100 con giòi trước khi lấy ra. Theo báo cáo địa phương, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện đáng kể sau thủ thuật.

 

 

 

Nếu không được xử lý và hút ra ngoài, ấu trùng giòi có thể lây lan sang các cơ quan lân cận như mắt hoặc não, gây tàn tật và thậm chí tử vong. Người dân ở các khu vực phía bắc đất nước, như Chiang Mai, được cho dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là dị ứng và viêm mũi.

 

Năm 2022, một người đàn ông Bồ Đào Nha đến gặp bác sĩ để phàn nàn về tình trạng ngứa, chảy máu và đau ở một trong hai bên ống tai. Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện thấy ống tai của bệnh nhân bị tắc nghẽn bởi những con ấu trùng ruồi ăn thịt Cochliomyia hominivorax. Họ loại bỏ ấu trùng bằng cách sử dụng một loại kẹp đặc biệt, sau khi rửa tai cho bệnh nhân.

 

 

Cochliomyia hominivorax là một loại ruồi mà ấu trùng (worm) có hình dáng xoắn vặn giống như đinh vít (screw-worm) khoan sâu vào cơ thể vật chủ.

 

Mỗi con ruồi cái đẻ tới 400 trứng vào phần thịt hoặc các vết thương hở của động vật máu nóng, sau đó trứng nở thành ấu trùng. Ấu trùng chui vào mô và ăn thịt vật chủ. Chúng đào sâu hơn khi vết thương bị xáo trộn, làm tổn thương mô và gây nhiễm trùng. Những trường hợp như vậy có thể gây tử vong nếu không được điều trị.

 

Bác sĩ Catarina Rato cho biết bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc nhỏ tai kháng sinh, dung dịch axit boric và kháng sinh đường uống. Thuốc nhỏ tai có kháng sinh, steroid để ngăn chặn nhiễm trùng do vi khuẩn và giảm viêm. Axit boric tạo ra môi trường axit trong tai cản trở sự phát triển của vi sinh vật.