Đứng trước thông tin Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024, nhiều lao động vừa mừng vừa lo trước mức độ tăng giá trước khi tăng lương tối thiểu.
Bộ LĐTB&XH chính thức đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024. Ảnh: TL
Mức lương tối thiểu vùng tăng 6%
Theo Pháp luật & xã hội, qua tính toán của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia, với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4% – 4,5% thì mức lương tối thiểu hiện nay không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình tại thời điểm năm 2024.
Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng tốt hơn. Tiền lương, thu nhập của NLĐ tiếp tục ổn định và tăng lên, quý sau cao hơn quý trước.
Đáng chú ý, từ ngày 1/7/2024, tiền lương của các đối tượng thuộc khu vực công sẽ được điều chỉnh tăng. Nếu không điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với NLĐ thuộc khu vực có quan hệ lao động sẽ không bảo đảm cân đối và phát sinh so sánh, so bì giữa các khu vực.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐTB&XH cho rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ.
Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng. Thời điểm tăng lương từ 1/7/2024, trùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước.
Cụ thể, vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng).
Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).
Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn so với mức sống tối thiểu của NLĐ dự kiến đến hết năm 2024. Cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.
Mức điều chỉnh này được Hội đồng tiền lương quốc gia đánh giá có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của NLĐ và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho NLĐ, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về mức lương tối thiểu/giờ, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất tăng tương ứng 6%. Cụ thể, vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu/giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.
Những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu thốn là lựa chọn của nhiều công nhân để tiết kiệm chi phí. Ảnh: H.Y
NLĐ lo mức tăng giá nhanh hơn mức tăng lương
Thông tin Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, nhiều lao động đang làm việc trên địa bàn TP Hà Nội vừa mừng nhưng cũng thấp thỏm lo âu.
Chị Hà (quê Thái Bình), làm công nhân tại công ty thuộc KCN Bắc Thăng Long được 11 năm. Nhiều năm nay, chị Hà phải gửi 2 con ở quê với ông bà để đi làm xa nhà. Mặc dù rất nhớ con, nhưng chị không còn lựa chọn nào khác bởi chi phí sinh hoạt tại Hà Nội khá đắt đỏ so với mức lương công nhân chưa đến 10 triệu đồng/ tháng.
Chị tính nhẩm, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí của bản thân khéo co lắm cũng đã ngót nghét 3 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại, chị dành dụm gửi về quê để ông bà lo cho 2 con ăn học.
“Nếu đón con lên ở cùng, tôi lại phải tìm thuê một phòng trọ rộng hơn. Như vậy, chi phí lại tăng lên. Chưa kể mùa hè nắng nóng, khoản tăng đầu tiên sẽ là tiền điện”. Chị Hà chia sẻ.
Cùng chung nỗi niềm như chị Hà, chị Oanh (quê Bắc Giang), công nhân may cho biết, Công ty vẫn khó khăn về đơn hàng nên công nhân không được tăng ca nhiều để kiếm thêm thu nhập. Mức lương công nhân hiện tại của chị dao động trong khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng phải kiêm thêm công việc chở hàng ngoài giờ để gia đình có thêm thu nhập chi tiêu và gửi về cho con.
Vợ chồng chị Oanh lựa chọn thuê nhà trọ xa khu trung tâm để tiết kiệm chi phí. Ảnh: H.Y
Loay hoay cầm 500.000 đồng đi chợ mua thức ăn cho cả tuần cho 2 vợ chồng, chị căn ke giá cả từng loại thực phẩm, làm sao để có bữa cơm đủ chất nhưng vẫn phải tiết kiệm đến mức có thể.
“Lương chưa tăng nhưng nhiều mặt hàng hóa thiết yếu đã tăng giá rồi. Điện, nước, tiền phòng trọ chẳng biết sẽ tăng thế nào?”, chị Oanh bày tỏ nỗi lo.
Chị Hà, chị Oanh cùng cho biết, lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7, người lao động sẽ có thêm một khoản tiền để chi tiêu hằng tháng. Nhưng số tiền này cũng “không thấm tháp” vào đâu khi NLĐ hiện nay vẫn còn nặng gánh nhiều khoản chi phí khác.